Mắt Cận Thị là gì ?
Cận thị là nguyên nhân hay gặp nhất gây giảm thị lực trên toàn thế giới và là nguyên nhân đứng thứ hai gây nên tình trạng mù có khả năng điều trị được.
Cận thị xảy ra khi có sự mất cân đối và hài hòa giữa trục trước sau của mắt (quá dài) và công suất hội tụ của giác mạc (quá yếu). Có nhiều yếu tố liên quan làm gia tăng nguy cơ bị cận thị, trong đó quan trọng nhất là di truyền và môi trường làm việc và sử dụng mắt.
Trong tật cận thị, hình ảnh của vật hội tụ ở trước võng mạc gây mờ, người cận thị muốn nhìn các vật ở xa rõ cần phải được đeo kính điều chỉnh sao cho hình ảnh của vật được hội tụ đúng trên võng mạc khi đó mọi vật mới trở nên sắc nét và rõ ràng.
Cận thị do di truyền thường liên quan đến dạng cận thị nặng, cận bệnh lý từ –6.00 diop trở lên. Cận thị nhẹ đa số có ảnh hưởng của môi trường, người ta nhận thấy ở những người hay phải làm công việc cần nhìn gần trong thời gian dài, đặc biệt trong môi trường thiếu ánh sáng có tỷ lệ cận thị cao hơn. Ngoài ra những trẻ sinh non, thiếu tháng khi trưởng thành cũng có tỷ lệ cận thị cao hơn so với các cháu sinh bình thường đủ tháng.
Cận thị nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, thị lực kém sẽ làm giảm khả năng học tập, ảnh hưởng tới mặt thể chất (trẻ ngại vận động, chơi thể thao gây ra béo phì hoặc suy dinh dưỡng . . . ), tinh thần (trẻ có cảm giác tự ti, mất tự tin trong giao tiếp với bạn bè), ngoài ra có thể gây nhược thị.
Độ can thi giữa 2 mắt chênh lệch nhiều gây bất đồng khúc xạ. Trong đó mắt cận nặng hơn ít được sử dụng, sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị (thị lực tối đa dưới 10/10, thậm chí rất thấp dưới 5/10). Thị lực có thể phục hồi nếu nhược thị được điều trị khi trẻ dưới 6 tuổi, nhưng khi trẻ đã lớn sẽ rất khó thậm chí không thể hồi phục. Trong trường hợp nhược thị sâu có thể dẫn đến lé, song thị . . Do vậy phát hiện sớm để được điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Cận thị có thể điều chỉnh bằng kính gọng, kính sát tròng, mổ mắt cận thị bằng phương pháp phẫu thuật Laser Excimer (Lasik, Epi-Lasik, PRK LASEK), phakic IOL, Phaco IOL tùy theo mức độ nặng nhẹ, chiều dày giác mạc và các yếu tố khác.
Giảm độ cận mà không phẫu thuật.
Nếu bạn chỉ bị cận dưới 0,75 độ thì không cần đeo kính thường xuyên, còn từ 1 - 2 độ thì chỉ nên đeo kính khi nhìn các vật ở xa nhằm hạn chế sự điều tiết của mắt. Bên cạnh đó, việc đeo kính cũng cần được sự tư vấn của bác sĩ và phải được đo khám chi tiết, cẩn thận.
Vì sự điều tiết của mắt cận thường chậm chạp và yếu hơn nên bạn cần tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt hoặc làm việc trong bóng tối. Nếu phải thức khuya, làm việc thường xuyên với cường độ lớn, đôi mắt của bạn sẽ phải chịu áp lực rất nặng nề. Do đó, bạn cần có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
Sau thời gian hoạt động liên tục từ 45 – 60 phút, cần để cho đôi mắt được thư giãn với những bài tập vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả như nhắm mắt thư giãn, nhìn qua cửa sổ, nhìn tập trung vào một vật bất động dưới ánh sáng, nhìn vào bầu trời trong xanh khoảng 5 phút.
Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt
Nên:
Các chất dinh dưỡng tốt nhất cho mắt chính là vitamin A, B, kẽm, beta carotene, crom, selen,..bạn nên ăn nhiều các thực phẩm như cà rốt, bí đỏ, trứng gà, sữa, thịt bò, thịt gà, rau dền, rau ngót, nấm, thủy hải sản…
Không nên
Không sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá, và nhất là hạn chế ăn nhiều đồ ngọt.